Anh Đóng Cửa Nhà Máy Điện Than Cuối Cùng: Chấm Dứt 142 Năm Sử Dụng Than Đá
- theseedofgreenfutu
- 23 thg 10, 2024
- 2 phút đọc
Ngày 30-9-2024, Vương quốc Anh đã chính thức đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng - Ratcliffe on Soar, đánh dấu sự kết thúc 142 năm phụ thuộc vào than đá. Đây là một sự kiện lịch sử, đưa Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 loại bỏ hoàn toàn điện than, mở ra một trang mới trong hành trình hướng tới năng lượng tái tạo và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Nhà máy Ratcliffe on Soar, sau 57 năm hoạt động, đã dừng sản xuất điện vào ngày 30-9. Đây là bước ngoặt trong lộ trình của Anh nhằm loại bỏ hoàn toàn than đá vào năm 2025 và tiến tới mục tiêu giảm phát thải carbon trong lĩnh vực năng lượng vào năm 2030. Với việc đóng cửa vào cuối tháng 9, nhà máy này kết thúc hành trình cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp trong suốt nhiều thập kỷ.
Vào những năm 1980, than đá cung cấp khoảng 80% điện năng của Anh. Đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn 39%. Với các chính sách về thuế carbon ngày càng nghiêm ngặt và sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo, than đá nhanh chóng mất vị thế. Đến năm 2023, điện than chỉ còn chiếm khoảng 1% tổng sản lượng điện, theo số liệu từ National Grid

Hơn một nửa lượng điện của Anh hiện nay đến từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, và phần còn lại đến từ khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân. Việc từ bỏ than đá đã mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là sự giảm thiểu đáng kể lượng khí thải carbon, với việc thay thế than bằng năng lượng gió và mặt trời đã giúp tiết kiệm khoảng 2,9 tỷ bảng Anh.
Hơn nữa, hiện nay, hơn một phần ba các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ngừng sử dụng than, và dự kiến 3/4 trong số đó sẽ không còn sử dụng than đến năm 2030.
Phil MacDonald, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu năng lượng toàn cầu Ember, nhận định rằng trước đây, than gắn liền với tăng trưởng công nghiệp, trong khi năng lượng sạch hiện nay đang thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Quá trình chuyển đổi từ than sang năng lượng tái tạo diễn ra nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của các chính sách chính phủ, cam kết khử cacbon và sự phát triển của năng lượng gió và mặt trời.
Việc từ bỏ than đá của Vương Quốc Anh chính là ví dụ điển hình trong việc thể hiện chiến lược, tầm nhìn dài hạn, hướng đến một tương lai năng lượng bền vững. Ngoài ra, còn khẳng định vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hướng đến tương lai phát triển bền vững.
Comments